Hàng năm, trên cơ sở Chương trình lập quy, UBND các cấp đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn chủ động soạn thảo và trình UBND ký ban hành hoặc để trình HĐND cùng cấp thông qua theo trình tự, thủ tục luật định. Kết quả, từ năm 2005 đến hết năm 2011 HĐND, UBND các cấp đã ban hành, thông qua tổng số 1.682 văn bản QPPL các loại, trong đó: cấp tỉnh 357 (129 nghị quyết, 214 quyết định), cấp huyện 442 (180 nghị quyết, 253 quyết định, 09 chỉ thị), cấp xã 883 (841 nghị quyết, 42 quyết định), đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, đồng thời đề xuất, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tác động tích cực của Luật đối với công tác ban hành văn bản QPPL:

Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND năm 2004 ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác xây dựng, giám sát thi hành pháp luật và không ngừng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trình tự, thủ tục ban hành văn bản từng bước đi vào nề nếp, phát huy dân chủ rộng rãi, huy động trí tuệ của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng văn bản, đảm bảo cho cơ quan nhà nước giám sát toàn bộ hoạt động ban hành và thực thi văn bản. Việc quy định về trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản QPPL là mục tiêu hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật từ Trung ương đến địa phương.

Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành là cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xác định rõ phạm vi và tính chất của văn bản, hạn chế đến mức thấp nhất văn bản ban hành tùy tiện, áp đặt theo ý chí chủ quan. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm pháp lý đối với tổ chức, cá nhân khi tham mưu ban hành văn bản, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước nói chung và công tác ban hành văn bản QPPL nói riêng. Nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng của công tác xây dựng văn bản được nâng lên rõ rệt trong việc chỉ đạo lập dự kiến Chương trình ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh hàng năm, văn bản được ban hành thực hiện đúng quy trình, thủ tục.

Chất lượng văn bản QPPL của HĐND, UBND ngày càng được nâng lên:

Xác định rõ chiến lược, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong từng giai đoạn, các cơ quan chức năng thường xuyên nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Thường trực HĐND, UBND tỉnh để kịp thời ban hành các văn bản QPPL về quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thường xuyên cập nhật thông tin, pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Từ đó, chất lượng văn bản QPPL của HĐND và UBND các cấp không ngừng được nâng lên, nhất là từ khâu thảo luận lập chương trình, công tác soạn thảo và tổ chức lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra... Những văn bản được ban hành phần lớn đúng thể thức, thẩm quyền, đảm bảo tính hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, hạn chế được sai sót xảy ra. Kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của cấp ủy Đảng, HĐND và UBND các cấp; các sở, ngành chủ động phối hợp, thảo luận và lựa chọn phương án tốt nhất, tham mưu giúp cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản kịp thời, đúng quy định.

Hàng năm, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức giám sát hoặc giao UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản QPPL tại các cơ quan, đơn vị, các huyện và thành phố trong tỉnh. Qua giám sát, Thường trực, các Ban của HĐND và UBND tỉnh có nhiều kiến nghị, đề nghị các cơ quan nghiêm túc chấn chỉnh những sai sót, hạn chế vướng mắc để các văn bản QPPL của HĐND, UBND đảm bảo chất lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương. Đồng thời, thông qua hoạt động giám sát, đã đánh giá toàn diện những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về xây dựng và ban hành văn bản QPPL ở địa phương để kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Nhìn chung, các văn bản QPPL ban hành đảm bảo đúng thể thức, thẩm quyền và chất lượng, sát với yêu cầu quản lý ở địa phương. Các nội dung phù hợp với Hiến pháp và các văn bản của các cơ quan cấp trên; thể hiện bao quát trên các các lĩnh vực, các vấn đề cần điều chỉnh ở địa phương. Các văn bản QPPL của địa phương ban hành tạo điều kiện cho các cấp, các ngành, cán bộ công chức và nhân dân thực hiện tốt quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, tạo cơ sở cho bộ máy chính quyền, đoàn thể hoạt động đảm bảo hiệu quả, hiệu lực; tạo điều kiện cho nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát và trực tiếp tham gia vào hoạt động của nhà nước.

Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật về ban hành văn bản QPPL:


Bên cạnh những kết quả đạt được, còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có những chế tài cần thiết đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nguyên tắc, trình tự, thủ tục và thẩm quyền ban hành văn bản QPPL. Quy định của pháp luật về dấu hiệu nhận biết giữa văn bản QPPL và văn bản hành chính không rõ ràng, khó hiểu; việc bãi bỏ, hủy bỏ văn bản QPPL phải ban hành văn bản dưới hình thức gì, Luật và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP quy định không rõ, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau.

Từng lúc, từng nơi chưa thực hiện đúng chương trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL đã được thông qua, có tình trạng văn bản đề xuất nhiều, ban hành ít và số lượng văn bản ban hành ngoài chương trình còn phổ biến. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị chậm nghiên cứu, đề xuất ban hành những văn bản mới để thay thế, sửa đổi, bổ sung những văn bản QPPL quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Một số sở, ngành được phân công chủ trì soạn thảo thiếu chủ động, không tiến hành rà soát, điều tra, khảo sát và chưa chú trọng phân công cán bộ có năng lực tham gia soạn thảo, nên một số văn bản chất lượng không đạt yêu cầu. Công tác thẩm định văn bản còn hạn chế. Năng lực của cán bộ thực hiện tự kiểm tra và kiểm tra còn hạn chế nhất định; việc xử lý kết quả tự kiểm tra và kiểm tra chậm, thiếu triệt để. Chất lượng văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp xã còn nhiều hạn chế.

Giải pháp trong thời gian tới:

Để công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, thiết nghĩ nên sửa đổi bổ sung Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng: Bổ sung chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nguyên tắc, trình tự, thủ tục và thẩm quyền ban hành văn bản QPPL và triển khai thực hiện các văn bản ban hành. Bỏ thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của cấp xã, vì các văn bản của cấp xã thường mang tính áp dụng hơn là quy phạm. Văn bản hướng dẫn thực hiện Luật nên quy định thống nhất, rõ ràng, dễ hiểu và dễ áp dụng thực hiện. Bên cạnh đó, quan tâm bồi dưỡng về nghiệp vụ xây dựng văn bản cho địa phương, từng bước chuẩn hoá cán bộ chuyên trách về soạn thảo, góp ý, thẩm định, kiểm tra, rà soát và hệ thống hoá văn bản QPPL ở địa phương.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan